TÍN HIỆU GIAO DỊCH CRYPTO LÀ GÌ ?
Tín hiệu giao dịch crypto là những cơ hội giao dịch mang lại tỷ lệ thắng cao (thường lớn hơn 50% theo thống kê kết quả giao dịch trong một thời gian dài) để trợ giúp cho những người mới tham gia thị trường và có ít kinh nghiệm giao dịch có thể dựa vào đó thực hiện giao dịch theo và kiếm lợi nhuận.
MỘT TÍN HIỆU GIAO DỊCH BAO GỒM NHỮNG THÀNH PHẦN NÀO ?
Một tín hiệu giao dịch đầy đủ BẮT BUỘC phải bao gồm các thành phần sau, thiếu bất kể thành phần nào cũng sẽ không được coi là một tín hiệu hoàn chỉnh:
- Tên mã giao dịch/cặp giao dịch: Đây là tên của mã mà chúng ta sẽ giao dịch
- Hướng của tín hiệu: Tức là nhận định xu hướng giá sẽ lên hay xuống. Nếu xu hướng giá lên thì hướng của tín hiệu sẽ là MUA (SPOT) hoặc LONG (FUTURES) và ngược lại, nếu xu hướng giá xuống thì hướng của tín hiệu sẽ là BÁN (SPOT) hoặc SHORT (FUTURES).
- Entry – Điểm vào: Đây là mốc giá hoặc vùng giá mà chúng ta có thể bắt đầu vào lệnh giao dịch.
- Stop-loss – Dừng lỗ: Đây là mốc giá mà trong một giao dịch lỗ chúng ta sẽ bắt buộc đóng vị thế (Futures) hoặc bán ra mặt hàng đang sở hữu (Spot) để ngăn không cho số tiền lỗ vượt quá mốc mà bản thân quy định. Đây là điểm mấu chốt của khâu Quản lý vốn/Quản trị rủi ro trong giao dịch.
- Take-profit – chốt lời kỳ vọng: Đây là mốc giá hoặc vùng giá mà trong một giao dịch có lãi chúng ta sẽ hiện thực hoá khoản lãi của mình bằng cách đóng vị thế đang mở (futures) hoặc bán ra mặt hàng đang sở hữu (Spot) để ngăn không cho số tiền lãi đang sở hữu có thế mất đi theo các biến động bất lợi tiếp theo của thị trường.
REWARD/RISK (R/R) LÀ GÌ ? SỰ QUAN TRỌNG CỦA R/R TRONG GIAO DỊCH
Reward/Risk là tỷ lệ Phần thưởng/Rủi ro cho mỗi một Tín hiệu (kèo/setup) giao dịch. Tỷ lệ này tính bằng việc lấy số tiền lãi có thể đạt được chia cho số tiền chúng ta sẽ mất nếu giao dịch của mình dính Stop-loss (dừng lỗ) hoặc chính là khoảng cách (tính theo % giá) từ điểm Entry (giá vào lệnh) tới điểm Take-Profit (Chốt lời) chia cho khoảng cách từ điểm Entry tới điểm Stop-loss.
Ví dụ: Hiện tại BTC có giá 40.000 USDT/BTC. Chúng ta thấy xu hướng BTC có thể lên được tới 42.000 USDT/BTC và sẽ chấp nhận rằng nhận định của mình sai khi giá BTC giảm xuống chạm mốc 38.800 USDT/BTC. Khi đó Tín hiệu của chúng ta sẽ là:
Buy/Long BTC
Entry: 40.000
Stop-loss: 38.800
Take-profit: 42.000
Như vậy nếu chúng ta mua/long 1 BTC tại mốc giá 40.000 USDT/BTC thì nếu tín hiệu này thành công khi giá tăng tới 42.000 USDT/BTC chúng là sẽ lãi 2000$, ngược lại nếu giá chạy không như chúng ta mong muốn và chạm điểm Dừng lỗ (Stop-loss) chúng ta sẽ mất 1200$.
Lúc này R/R sẽ tính bằng: (42.000 – 40.000)/(40.000 – 38.800) = 2000 / 1200 = 1,66
Tại sao Reward/Risk (R/R) lại cực kỳ quan trọng trong giao dịch ?
Nhiều người trong chúng ta ở đây đều đã được biết đến môn học xác suất thống kê trên ghế trường đại học, xác suất thống kê liên quan trực tiếp tới kết quả giao dịch trong thời gian dài của mỗi trader nhưng không phải ai tham gia thị trường cũng để ý tới điều này. Chúng ta tập trung vào ví dụ sau:
Giả sử mỗi cú trade của bạn đều tuân thủ điều kiện R/R = 1 và khối lượng giao dịch cho mỗi lệnh không đổi, tức là số tiền bạn ăn được hoặc mất mỗi kèo là như nhau (ví dụ ăn 1000$ hoặc lỗ 1000$ mỗi kèo chẳng hạn). Nếu bạn trade đủ 100 kèo và muốn có lãi, đương nhiên số kèo bạn phải thắng cần lớn hơn 50 (số tiền ăn và mất mỗi kèo bằng nhau thì tỷ lệ thắng phải lớn hơn 50% mới có lãi được).
Tương tự chúng ta có thể dễ dàng tính ra được, nếu mỗi kèo bạn chốt non và chỉ đạt R/R 0.6 (tức là ăn thì ăn 600$ và khi cắt lỗ thì cắt lỗ 1000$) thì chuyện gì xảy ra ? Ngay lập tức tỷ lệ win cần phải có để đưa bạn về điểm hoà vốn tăng vọt lên thành 50/0,6 x 1.0 = 83.33 %. Nghĩa là đánh 100 kèo bạn phải thắng ít nhất 84 kèo trở lên mới có lãi.
Vậy nếu R/R của bạn duy trì được ở mức 1.5 thì sao? Lúc này với mỗi kèo take-profit thành công bạn lãi 1500$, và mỗi kèo dính stop-loss bạn mất 1000$, nói một cách dân dã là 1 kèo ăn bù được 1,5 kèo lỗ. Tỷ lệ thắng tối thiểu lúc này cần có để có lãi sau 100 kèo là 33.33%.
Nhìn vào số liệu trên, bạn có thể dễ dàng hình dung được với những setup có R/R tốt (tối thiểu là 1.0) trong quá trình trade lâu dài bạn sẽ dễ dàng đạt được kết quả có lãi hơn so với việc cứ lãi tí tẹo (chưa đủ bù lỗ nếu stop-loss) đã chốt lời. Đặc biệt trong những giai đoạn thị trường có xu hướng rõ ràng (uptrend chẳng hạn), độ dài các con sóng thường lớn và ít điều chỉnh, nếu bạn không thể gồng được lãi mà cứ chốt non sẽ dẫn tới việc nếu tiếp tục muốn kiếm tiền bạn sẽ phải vào tiếp lệnh ở một vị thế/mốc giá xấu hơn mốc giá lúc đầu mình vào lệnh cộng thêm việc phải trả phí giao dịch nhiều lần hơn so với người gồng được lãi giỏi hơn mình (ví dụ bạn trade với R/R 0.5 thì bạn phải ăn 2 kèo mới bằng được người trade với R/R 1.0, đồng nghĩa với việc số lượng kèo bạn phải vào là gấp đôi người ta và số lần trả phí giao dịch vào ra lệnh cũng cao gấp đôi), việc này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến thống kê kết quả của bạn theo thời gian dài tệ hơn rất nhiều.
NHỮNG LOẠI TÍN HIỆU KHÔNG ĐẠT YÊU CẦU CẦN TRÁNH
Hiện nay trong cộng đồng tài chính nói chung và trade coin nói riêng có rất nhiều hội nhóm và cá nhân đưa tín hiệu giao dịch, nhưng không phải tín hiệu nào cũng đạt chuẩn để có thể theo được, đặc biệt là đối với người mới với lượng kiến thức và kinh nghiệm ít ỏi tự trade thua lỗ không biết bấu víu vào đâu thì việc tìm bừa một tín hiệu của ai đó đưa ra để vào lệnh là điều không hề khó thấy. TC1% đưa ra cho các bạn mới một số cảnh báo về các loại tín hiệu kém chất lượng như sau để các bạn cảnh giác hơn với mỗi quyết định của mình:
LƯU Ý: Mệnh đề của 1 kèo (tín hiệu giao dịch) thành công cần phải đủ 2 bước:
- Khớp được entry (không khớp được entry thì làm gì có lệnh đúng không ?)
- Sau khi khớp entry, giá phải chạy tới take profit (tối thiểu R/R = 1.0) và không được chạm stoploss trước lúc đó.
Mệnh đề này đúng khi giá khớp được entry (tức vào được lệnh đúng vùng trong tín hiệu) và sau đó chạy được đến tối thiểu vùng R/R 1.0 trước khi chạm stoploss.
Mệnh đề này sai khi không khớp được entry hoặc giá chạm stoploss trước khi chạy được đến tối thiểu vungf R/R 1.0.
- Tín hiệu kiểu “Canh mua …” hoặc “Canh bán …” không có entry rõ ràng cụ thể
Đây là loại tín hiệu mà bản thân người ra kèo không xác định được vùng entry và stoploss, chỉ đoán hướng mà thôi. Thậm chí cũng sẽ có người ra kèo dạng “Canh bán BTC, stoploss tại …..”, nghe thì có vẻ tốt hơn ví dụ trước đó là thêm đc cái stoploss vào, nhưng bản chất vẫn là không tự tin vào việc phân tích hành vi giá của bản thân, sợ rằng nếu nói rằng vào luôn mà giá lại chạy ngược 1 thêm 1 đoạn thì sẽ không có entry tốt, còn nếu cho entry mặc cả thêm mà nhỡ sóng chạy luôn thì lại “miss kèo” và không có gì để “gáy” với cộng đồng. Anh em lưu ý loại tín hiệu này cực kỳ phổ biến trong cộng đồng và không hề tốt một chút nào cả, rất dễ gây ra tình trạng tiếc nuối nếu nó chạy đúng hướng nhưng thực chất việc đoán đúng hướng với việc phải thoả mãn cả dính entry và không dính stop-loss rồi chạy đủ RR là 2 chuyện khác nhau hoàn toàn.
- Tín hiệu kiểu “Vùng A có kháng cự”, “Vùng B có hỗ trợ”, … và không nói gì thêm
Như đã đề cập bên trên, khi không có đủ entry, stoploss, take-profit và đủ tối thiểu RR 1.0 trở lên thì không thể gọi là tín hiệu hoàn chỉnh được. Những nhận định kiểu “Vùng A có kháng cự”, “Vùng B có hỗ trợ” chỉ là phân tích kỹ thuật cơ bản, vốn chỉ là lịch sử giao dịch được người viết đề cập lại mà thôi (cái này bạn tự học là có thể làm được tốt), việc xác định hỗ trợ, kháng cự chỉ thể hiện rằng trong quá khứ nhiều người đã từng giao dịch ở mốc giá đó, thường thì khi bạn đang trong 1 giao dịch LONG/BUY có lãi chẳng hạn, kháng cự là mốc bạn nên quan tâm để quản lý lệnh của mình (chốt 1 phần lệnh hoặc chốt hết, rời stoploss về entry chẳng hạn) bởi giá đó có thể có xảy ra phản ứng giá mạnh theo chiều ngược lại.
Nghiễm nhiên khi không cung cấp cả entry, stoploss và take profit thì thông tin dạng như trên không được tính là tín hiệu và cũng không giúp các bạn kiếm được tiền, nếu bạn có may mắn mua bừa ở một vùng hỗ trợ và có lãi thì cũng hoàn toàn là do công sức của bạn chứ không phải của người đưa ra thông tin đó, đừng nhẫm lẫn.
- Tín hiệu dạng cho DCA khi giá chạy ngược (trung bình giá lỗ) quá nhiều hoặc quá xa, tệ hơn là chỉ cho DCA và không có cả stop-loss
Đây cũng là một dạng tín hiệu chất lượng kém mà những người mới cần đề ý và tránh theo vì kết quả cuối cùng của các bạn sẽ rất tệ. Kiểu tín hiệu này rất dễ tạo hiệu ứng “tưởng ngon” cho những người mới bởi lẽ vùng entry thường rộng, và thường những người ra quá nhiều tín hiệu kiểu này bảo các bạn “Vào một phần vol lệnh ngay giá hiện tại, DCA tại ….”.
Như vậy thành phần số 1 của mệnh đề 1 kèo thành công đã luôn được thoả mãn bởi việc vào luôn 1 phần vol (tức phần đầu của mệnh đề là phải khớp entry). Nhưng hệ quả của việc này sẽ dễ dẫn tới tình trạng nhiều khi các bạn chỉ vào được 1 phần vol lệnh giá đã chạy luôn, lúc có lãi thì cũng chỉ tính theo một phần vol lệnh đó (ví dụ bạn chia làm 2 lệnh với vol lệnh bằng nhau và chỉ dính có một lệnh entry, như vậy khi giá chạy bạn cũng chỉ có một nửa lãi so với việc vào toàn bộ vol lệnh tại 1 điểm duy nhất). Còn khi giá chạy ngược và dính stop-loss thì chắc chắn bạn sẽ bị stop-loss full vol theo giá trung bình của 2 entry đó. Bạn dễ dàng nhận ra rằng mình đánh theo những tín hiệu kiểu như thế này sẽ xảy ra rất nhiều lần ăn thì ăn ít mà mất thì mất nhiều. Tệ hơn nữa có những tín hiệu còn không đề cập cả tới stop-loss, rất dễ khiến người mới rơi vào tình trạng không biết cắt lỗ ở đâu khi lỗ quá nhiều rồi gồng lỗ và thua nặng nề.